Khôn lỏi là gì? Tính khôn lỏi của người Việt tệ hại như thế nào?
Tính khôn lỏi của người Việt phản ánh trong mọi ngóc ngách của đời sống, nhưng điều đó gây ra nhiều sự ức chế với bạn trong bất kỳ bối cảnh nào gặp phải. Hãy cùng Top Kiến Thức tìm hiểu xem khôn lỏi là gì Qua phần nội dung sau đây của bài viết.
Khôn lỏi là gì?
Khôn lỏi hay khôn vặt, khôn ranh là một khẩu ngữ biểu hiện những người mong muốn có cái lợi trước mắt, bất chấp thủ đoạn để giành lấy lợi thế bằng mọi giá. Những người này thường không hề nghĩ đến mọi người xung quanh mà chỉ biết nghĩ đến bản thân họ.
Người giành chiến thắng nhờ vào tính khôn lỏi luôn có tâm lý muốn giành giật bất kỳ thứ nào mà họ muốn bằng mọi cách. Nhưng sẽ rất khó bền khi những người xung quanh biết rõ về tính cách đó và dần xa lánh, đánh mất những mối quan hệ và những lợi ích có tính bền vững, lâu dài.
Ngoài từ ngữ khôn lỏi, cũng có một thói quen xấu của người Việt chính là lươn lẹo. Nếu bạn nào muốn tìm hiểu về chủ đề này thì hãy xem thêm bài viết lươn lẹo là gì.
Dấu hiệu nhận biết và đối phó với những người có tính khôn lỏi
Trên thực tế, dấu hiệu nhận biết những người có tính khôn lỏi thật sự không quá khó bởi có một số đặc điểm mà gần như chỉ có họ mà thôi:
Thích phóng đại và tự cho mình là người giỏi nhất
Đây cũng được xem là một biểu hiện rất đặc trưng cho những người có tính khôn lỏi. Họ thường tự cho rằng mình thật sự rất giỏi, thông minh và tài năng hơn người khác. Ngoài ra, họ cũng tự phóng đại về mức độ hiểu biết của mình và luôn tự cao, tự mãn, tự đắc, tự cho mình là người có địa vị xã hội.
Những người có tính khôn lỏi cũng có lời lẽ thiếu tôn trọng và xem thường tài năng của người khác. Chính sự tự đắc, hiểu biết hơn người và sự thiếu tôn trọng người khác có thể khiến họ tự đánh mất đi những gì họ có như mối quan hệ trong cuộc sống. Thậm chí còn có thể tự đánh mất cả cơ hội để thăng tiến trong sự nghiệp.
Thích gây chuyện hại người khác
Người khôn lỏi cũng có bản tính xấu xa và thường hay gây chuyện với người khác bằng mọi thủ đoạn. Những người này thường hay đón đầu, chọn đường tắt và không muốn bỏ công sức học hỏi, rèn luyện mà chỉ muốn tranh giành phần lợi thuộc về mình bằng những mánh khỏe.
Thậm chí, những người khôn lỏi còn hại cả những người thân, bạn bè xung quanh để đạt được mục đích của mình bất chấp hành vi trái với đạo đức. Rõ ràng nhất chính là những người làm trong cùng công ty hoặc những người làm cùng ngành nghề, họ sẵn sàng hãm hại những người đồng nghiệp bằng những chiêu trò bẩn thỉu, thủ đoạn đê hèn nhằm gây bất lợi cho người khác và có lợi cho bản thân họ.
Tham lam và biến thứ của người khác thành của mình
Tất nhiên rồi, điều mà những kẻ khôn lỏi mong muốn chính là đạt được mục đích của họ. Những người này có tính sở hữu rất cao bởi bản tính tham lam và mong muốn những thứ của người khác trở thành thứ của mình.
Mặc dù vậy, tính tham lam của những người khôn lỏi không được biểu hiện rõ ràng ngay lập tức mà sẽ chỉ được thể hiện qua cách mà họ dùng lời lẽ để dụ dỗ đối phương. Để rồi kết quả là trái ngọt thì kẻ khôn lỏi mới thâu tóm được và người bỏ công sức làm ra thì hoàn toàn chịu thiệt thòi.
Tính khôn lỏi của người Việt tệ hại như thế nào?
Tính khôn lỏi của người Việt xuất hiện ở tất cả mọi ngóc ngách của đời sống, mọi ngành nghề. Họ lại vận dụng trí tuệ vào những việc xử lý nhiều tình huống nhỏ bằng tiểu xảo. Qua đó, nhiều người nghĩ rằng đó là sự thông minh nhưng thực chất chỉ là khôn lỏi mà thôi. Đây cũng đang là một mối hiểm họa đối với xã hội trong thời đại hội nhập văn minh.
Một ví dụ đơn giản để chỉ ra về tính khôn lỏi của người Việt chính là hành vi chặt chém khách ở một số điểm du lịch. Không chỉ có du khách nước ngoài mà ngay cả chính những du khách trong nước lại hết sức bức xúc về vấn nạn “chặt chém”. Ở những khu du lịch biển đảo, giá hải sản lại đắt đỏ hơn rất nhiều so với ở TP.HCM. Ngay cả ở những khu chợ đêm bán đồ lưu niệm cũng có giá cắt cổ.
Những người buôn bán chỉ biết nghĩ đến lợi ích ngắn hạn trong mỗi sản phẩm được bán ra nhưng lại không hề nghĩ đến cảm giác của du khách. Khi du khách đã không có ấn tượng tốt đẹp về khoản “chặt chém” này thì họ sẽ không có lần thứ 2 trở lại trong những chuyến du lịch sau. Điều này đã gây hại và ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch nước nhà.
Trong khi ở một số quốc gia khác, các nước không chăm chăm vào việc lấy chỉ tiêu có bao nhiêu lượt khách đến tham quan mà chỉ quan tâm đến chất lượng dịch vụ để du khách có thể lựa chọn việc quay lại trong những chuyến du lịch sau. Tư duy ăn xổi và khôn lỏi ngắn hạn đã ăn sâu vào trong tâm thức của người Việt, họ sẵn sàng “chặt chém” cho đã và không hề quan tâm đến chuyện du khách có trở lại hay không.
Bạn có thể xem thêm: Ăn xổi ở thì là gì.
Tính khôn lỏi còn được thể hiện trong cả những gánh bán hàng rong. Ví dụ cụ thể là xe trái cây có để bảng giá có ghi “10.000 ½ ký”. Thay vì để ½ to rõ thì họ lại viết số 2 rất nhỏ khiến người nhìn xa không thể thấy được và khách hàng ngay lập tức ghé vào mua. Khi phát hiện ra được giá thật mà người bán đưa ra đắt gấp đôi so với giá mà họ nhìn thấy từ xa, họ có cảm giác rằng mình đã bị lừa.
Chắc chắn khi đã trải qua cảm giác bị lừa sẽ không có lần thứ 2 để họ có thể quay trở lại với chỗ bán hàng đó nữa. Còn người bán thì chỉ cần đẩy xe ở một nơi khác để buôn bán mà không quan tâm đến tương lai ra sao. Ngoài ra việc cân thiếu, cân điêu đánh lừa người tiêu dùng cũng là một chiêu trò đã quá quen thuộc với người Việt.
Ở nơi công sở, tính khôn lỏi được thể hiện rõ ràng qua việc những kẻ đó hay nịnh bợ cấp trên để đón đầu và có cơ hội thăng tiến mà không cần khẳng định năng lực thật sự. Những người khôn lỏi sẵn sàng bêu rếu, nói xấu những người đồng nghiệp khác có chính kiến đối lập, làm việc chăm chỉ, không có thói xu nịnh và cầu tiến trong công việc.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tính khôn lỏi đã có mặt ở khắp mọi nơi chính là giáo dục. Họ dựa vào kinh nghiệm thực tế để truyền tải và dẫn dắt con trẻ đi vào thói quen không tốt này. Điều này được thể hiện rõ nhất qua ca dao tục ngữ mà chúng ta đã từng biết đến trong những năm cắp sách đến trường.
Điển hình là truyện cổ tích “Trí khôn của ta đây”. Con cọp hỏi anh nông dân rằng “Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một tí có được không?”. Sau đó, anh nông dân trả lời rằng: “Trí khôn tôi để ở nhà. Ðể tôi về lấy cho anh xem”. Khi con cọp đã mừng thầm vì sắp có trí khôn, anh nông dân dụ dỗ trói con cọp vào góc cây rồi lấy rơm chất xung quanh, châm lửa đốt và quát: “Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!”. Anh nông dân tỏ ra sung sướng vì đã dùng “trí thông minh” để lừa con cọp, sau đó thì con cọp đã bỏ chạy khi dây thừng bị đứt do cháy. Vì sao lại là ví dụ điển hình của tính khôn lỏi? Bởi anh nông dân chỉ nghĩ đến việc lừa được con cọp và không hề nghĩ đến việc con cọp chạy đi vẫn có thể quay lại để ăn thịt anh ta. Dù có khôn đến mấy cũng phải chịu một hậu quả khôn lường.
Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền cho biết: “Khôn lỏi thể hiện tầm phát triển của dân trí xã hội còn chứa đựng nhiều ‘bản năng tự nhiên’. Trong một xã hội văn minh, sự giành giật bản năng hoang dã luôn cần được kiểm soát bởi hệ thống luật pháp/đạo đức. Nếu không, nó sẽ kìm hãm xã hội ở dạng chậm phát triển, thậm chí không chịu phát triển. Cái sự khôn lỏi lan tràn trong xã hội ta, tôi cho đó là điều đáng buồn bởi nó sẽ chi phối cơ bản lòng tốt nói chung của con người”.
Kết luận
Không phải tất cả người Việt đều có tính khôn lỏi mà chỉ đại đa số người dân có thói hư tật xấu này. Đây là tính cách cần phải được lên án mạnh mẽ bởi đã gây ra nhiều hậu quả khôn lường và hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế cũng trở nên xấu đi.
Như vậy, chúng ta cũng hiểu được phần nào đó vì sao người Việt lại thường hay có tính khôn lỏi. Nếu bạn đọc thấy bài viết hay và bổ ích, hãy CLICK VÀO ĐÂY để ủng hộ tôi bằng một ly cà phê nhé!